Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 8/1 cho biết, 62% doanh nghiệp khảo sát xếp hạng Việt Nam là một trong 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó, 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất. 53% doanh nghiệp được hỏi dự đoán đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng vào cuối quý IV.
Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Điều này được Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhìn nhận là minh chứng rõ ràng cho niềm tin ngày càng tăng vào nền kinh tế hơn 100 triệu dân.
Bên cạnh đó, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại thị trường này cũng có dấu hiệu phục hồi khi chỉ số BCI đạt 46,3 điểm trong quý IV. Dù chỉ số vẫn ở dưới mức trung bình kể từ quý IV/2022 cùng với thái độ thận trọng của doanh nghiệp, mức tăng báo hiệu sự ổn định.
Trong quý cuối của năm 2023, mức độ hài lòng của doanh nghiệp đã tăng lên rõ rệt. Khảo sát cho thấy các doanh nghiệp tự tin vào tình hình hiện tại của mình đã tăng từ 24% lên 32%. Triển vọng cho quý I năm 2024 cũng rất tích cực, với 29% doanh nghiệp đánh giá là "xuất sắc" hoặc "tốt". Một dấu hiệu nữa cho thấy mối lo ngại đang giảm dần là mức độ lo lắng cực độ của các doanh nghiệp đã giảm từ 9% xuống 5%.
Báo cáo cũng cho thấy, khu vực doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng. 31% công ty có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý I/2024 và 34% có ý định tăng mức đầu tư, một sự tăng trưởng rõ ràng kể từ năm 2023.
"Chắc chắn xu hướng tích cực đang diễn ra. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn, nhưng các doanh nghiệp đang cảm thấy lạc quan hơn", Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nói. Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tin rằng đã vượt qua thời kỳ kinh tế được cho là đầy thách thức và khó khăn nhất.
Cuộc khảo sát cũng nêu bật vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực ASEAN. Trong khi chỉ một phần nhỏ coi Việt Nam là "lãnh đạo ngành công nghiệp", 29% doanh nghiệp được khảo sát xếp Việt Nam vào danh sách "các quốc gia cạnh tranh hàng đầu" trong khối này. Đa số coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh mạnh, mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định. Theo EuroCham, quan điểm này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng và tiềm năng phát triển hơn nữa của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế ASEAN.
Tuy nhiên, báo cáo của EuroCham cũng chỉ ra nhiều thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang gặp phải. Hơn một nửa doanh nghiệp nói, gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy là một trong ba rào cản hàng đầu. 34% doanh nghiệp nhấn mạnh "các quy tắc và quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau" cũng là một thách thức lớn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc rõ ràng và nhất quán trong khuôn khổ pháp lý.
"Trước sự cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng trong khu vực, Việt Nam vẫn nên cảnh giác. Điều quan trọng là đất nước phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách và chiến lược của mình để thu hút và duy trì FDI của châu Âu", ông Gabor Fluit nói.
Theo ông, một lĩnh vực quan trọng cần tập trung là đơn giản hóa thủ tục hành chính, một trở ngại lớn với các doanh nghiệp. Đồng thời, Việt Nam cũng cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần cũng như nâng cao trình độ của lực lượng lao động. Điều này sẽ giúp đất nước duy trì tính cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng.
Bên cạnh đó, EuroCham cũng chỉ ra những thách thức trong việc tận dụng tối đa tiềm năng của EVFTA. Khoảng 13% phản hồi cho rằng "sự không chắc chắn hoặc không hiểu rõ về thỏa thuận" là trở ngại chính, cho thấy cần phải có sự chia sẻ thông tin rõ ràng hơn về các điều khoản của thỏa thuận. Ngoài ra, 9% cho rằng "Thủ tục thông quan không rõ ràng và kéo dài" là một trở ngại, cho rằng sự kém hiệu quả này có thể làm giảm lợi ích của hiệp định thương mại.
theo vnexpress.net