Việt Nam điểm đến hàng đầu của các doanh nghiệp FDI
Hơn 13,43 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng kí vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đã cho thấy, đây là con số tích cực, niềm tin của doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng chậm lại.
Liên tục tăng mạnh
Nhiều tập đoàn công nghệ, hàng loạt các công ty đa quốc gia như Samsung, LG hay những "ông lớn" như Google, Microsoft đã có động thái, dấu hiệu dịch chuyển đầu tư dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam.
Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc mới đây, ông Cho Hyun Joon - Chủ tịch Tập đoàn Hyosung - cho biết, doanh nghiệp vẫn coi Việt Nam là thị trường chiến lược, trọng điểm thời gian tới. Ông Cho Hyun Joon dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Trong cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương mới đây, bà Priyamvada Srivastava - Tổng Giám đốc Procter & Gamble Việt Nam thông tin, hiện P&G có 2 nhà máy tại Bình Dương với quy mô 300 triệu USD. Thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Bến Cát (tỉnh Bình Dương).
Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp về môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút "đại bàng" chất lượng
Dù dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng chậm lại trong những tháng đầu năm 2023 nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), trong gần bốn thập kỉ (1986 - 2022), Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao.
Theo WB, Việt Nam đã nhảy từ vị trí thứ 123 lên thứ 28, nhảy 95 bậc trong bảng xếp hạng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới giai đoạn 1989 - 2022 . Cùng với đó, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 4.634 lần trong giai đoạn 1989 - 2022.
Tính đến nay, hơn 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đã rót vốn đầu tư tại Việt Nam.
Đáng chú ý, vốn đầu tư của một số đối tác lớn như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng lên hàng năm, làn sóng FDI vào Việt Nam đang có khuynh hướng tập trung vào các ngành nghề hàm lượng chất xám cao như công nghiệp phần mềm, điện tử tin học, dược phẩm, cơ khí chính xác...
Số liệu của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 đã đạt hơn 13,43 tỉ USD, bằng 95,7% so cùng kì và tăng 3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm 2022.
Để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, Tổng cục Thống kê đề xuất, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới trong bối cảnh dòng vốn FDI có xu hướng chậm lại.
Bà Phí Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê đầu tư và xây dựng (Tổng cục Thống kê) - nhận định, bên cạnh đà tăng trưởng, việc thu hút FDI của Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng từ một số yếu tố cơ bản như bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, xung đột chính trị tại một số quốc gia trên thế giới ngày càng gay gắt.
Bà Phí Hương Nga nhấn mạnh, những yếu tố này đang gây áp lực giảm đáng kể lên dòng vốn FDI toàn cầu trong năm 2022 và tiếp tục kéo dài sang năm 2023, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.
Ông Michael Kokalari - Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital phân tích, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định bất chấp việc chính sách thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ áp dụng từ ngày 1.1.2024.
Dòng vốn FDI sẽ vẫn là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong những năm tới. Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là từ các công ty đa quốc gia đang tìm cách sản xuất để xuất khẩu và tìm kiếm một cơ sở sản xuất thay thế hoặc bổ sung trong tương lai gần.