Vai trò của dòng vốn FDI trong phát triển kinh tế Việt Nam

2023-09-26 10:12:00

Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) được xem là một trong những điểm sáng hay thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam kể từ khi Đổi mới đến nay. FDI đã góp phần làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Các tác động nổi bật của dòng vốn FDI đối với phát triển kinh tế Việt Nam

Việt Nam được nhận định là một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu. Năm 1991, số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam là 2,07 tỷ USD, trong đó số vốn FDI thực hiện là 428,5 triệu USD, đạt trên 20% vốn đăng ký. Lượng vốn FDI vào Việt Nam tăng dần ngay sau đó. Đáng chú ý là sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007 đã làm gia tăng mạnh mẽ vốn FDI đăng ký vào Việt Nam từ 21,35 tỷ USD năm 2007 lên đến 71,73 tỷ USD chỉ riêng năm 2008.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ vào năm 2008, sau đó lan ra toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng vốn FDI vào Việt Nam. Xu hướng sụt giảm này vẫn tiếp tục kéo dài cho đến năm 2012. Từ năm 2013 đến năm 2019, vốn FDI vào Việt Nam duy trì được tốc độ tăng đều đặn cả về số dự án đăng ký mới, số vốn đăng ký và số vốn thực hiện hàng năm. Đặc biệt, trong năm 2021, mặc dù dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp nhưng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Việt Nam thực hiện Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài (12/1987) trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội còn rất thấp. Hạ tầng cơ sở nghèo nàn, khoa học công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực phần lớn chưa qua đào tạo,...Trong khi đó, nhu cầu phát triển luôn phải đối mặt với sức ép cần vồn đầu tư, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh xuất khẩu,... để khai thác lợi thế so sánh nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng cao, giải quyết công ăn việc làm và ổn định đời sống xã hội.

Mặt khác, từ những năm cuối thập kỷ 80 đến hết thập kỷ 90 của thế kỷ trước, xu hướng đầu tư quốc tế vào các nước đang phát triển chủ yếu tập trung vào các ngành khai thác, công nghiệp chế tạo và những ngành cần nhiều lao động. Trong bối cảnh phát triển đó, Việt Nam rất khó thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao, sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hoặc vào những ngành phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc định hướng thu hút FDI vào những ngành mà Việt Nam có lợi thế tự nhiên, phù hợp với trình độ phát triển và đón bắt được xu hướng đầu tư quốc tế là khá phù hợp. Do đó, mặc dù còn những hạn chế nhất định, nhưng FDI đã đóng góp rất tích cực, có vai trò như những trụ cột đối với thành công của chính sách đổi mới nền kinh tế.

Tác động đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Đóng góp quan trọng dễ thấy nhất đó là tăng cường nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng. Tính lũy kế đến ngày cuối năm 2021, cả nước có 34.527 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 408,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 251,6 tỷ USD, bằng 61,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Khu vực FDI đóng góp vào GDP năm 2010 là 15,15% và năm 2015 là 18,07%, năm 2021 là 20,13%; so với trung bình của thế giới, khu vực FDI đóng góp vào GDP của Việt Nam cao hơn 9,5 điểm phần trăm (20,13% so với 10,6%).

FDI đóng vai trò lớn trong đầu tư toàn xã hội tại Việt Nam. Cụ thể, vốn FDI chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư xã hội vào năm 1990 và tăng mạnh lên mức 32,3% trong năm 1995. Tỷ lệ này đã giảm dần trong giai đoạn 1996-2000, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính khu vực (năm 2000 chiếm 20%) và trong giai đoạn 2001 – 2010, chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư xã hội. Trong giai đoạn 2011 - 2020 bình quân vốn FDI thực hiện hàng năm chiếm khoảng 22% vốn đầu tư xã hội.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Dòng vốn FDI đã góp phần thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, từng bước nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Khu vực FDI tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa hóa. Cụ thể:

  • Trong lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng: Khu vực FDI chiếm khoảng 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, đã góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, khai thác dầu khí, điện tử, hóa chất, ô tô, xe máy, công nghệ thông tin, thép, xi măng, chế biến nông sản thực phẩm, da giày, dệt may… Các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong các ngành công nghệ cao như khai thác dầu khí, công nghiệp điện tử, viễn thông, thiết bị văn phòng, máy tính...
  • Trong lĩnh vực Nông - lâm - ngư nghiệp: Tốc độ tăng trưởng sản lượng của khu vực FDI luôn cao hơn khu vực kinh tế trong nước đã góp phần nhất định vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu và tiếp thu một số công nghệ tiên tiến, giống cây, giống con có năng suất, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế; tuy vậy tác động của FDI không đáng kể do tỷ trọng khu vực FDI trong khu vực này rất nhỏ.
  • Trong lĩnh vực Dịch vụ: FDI tác động quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng và kiểm toán với các phương thức hiện đại trong thanh toán, tín dụng, thẻ. FDI trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, văn phòng cho thuê đã làm thay đổi bộ mặt của một số đô thị lớn và các vùng ven biển. Nhiều khu vui chơi giải trí như sân golf, bowling, vui chơi có thưởng tạo ra điều kiện hấp dẫn đối với nhà đầu tư và khách quốc tế.
  • Trong lĩnh vực Giáo dục, đào tạo, y tế tuy chưa thu hút được nhiều vốn FDI nhưng bước đầu đã hình thành được một số cơ sở giáo dục có chất lượng cao, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh hiện đại, phục vụ nhu cầu của một bộ phận tầng lớp dân cư Việt Nam có thu nhập cao và người nước ngoài tại Việt Nam.
  • Trong lĩnh vực Thương mại – Bán lẻ: Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dịch vụ thương mại bán buôn và bán lẻ phát triển nhanh chóng, tạo ra phương thức mới trong phân phối hàng hóa, tiêu dùng và góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Sự tham gia của khu vực FDI trong nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là sự tập trung vốn FDI trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và một số ngành công nghiệp khác, là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng môi trường kinh tế năng động và gia tăng năng lực sản xuất, đa dạng hoá các sản phẩm chứa hàm lượng chất xám cao trong nền kinh tế nước ta.

Bên cạnh đó, FDI cũng giúp đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp vào thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP. Giá trị xuất khẩu hàng hoá của khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 27% vào năm 1995 và tăng gấp gần 3 lần lên tới 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (đạt 245,22 tỷ USD, bao gồm cả dầu thô) trong năm 2021.

Mặc dù, nhập khẩu của khu vực FDI đạt 218,21 tỷ USD, chiếm tới 65,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Nhưng tính chung cho năm 2021, cán cân thương mại hàng hoá của khối doanh nghiệp FDI đạt mức thặng dư trị giá 27,01 tỷ USD, giúp bù đắp 22,94 tỷ USD nhập siêu cua khu vực doanh nghiệp trong nước, từ đó, đảo ngược cán cân thương mại của Việt Nam về kết quả xuất siêu hơn 4 tỷ USD.

Chuyển giao công nghệ, thúc đẩy cải tiến sản xuất và đổi mới sáng tạo

Một trong những ưu điểm hàng đầu của nguồn vốn FDI so với các nguồn vốn đầu tư khác là đi kèm theo chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu – phát triển, năng lực đổi mới sáng tạo… của toàn bộ nền kinh tế.

Theo nhiều đánh giá, FDI đã góp phần thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, từng bước nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Nhiều công nghệ mới, hiện đại được du nhập vào nước ta nhất là trong các lĩnh vực dầu khí, điện tử, viễn thông, ôtô xe máy... Đặc biệt, một số ngành đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến với trình độ hiện đại của thế giới như: bưu chính - viễn thông, dầu khí, xây dựng, cầu đường, dệt may – da giày…

Từ việc thu hút được nhiều công nghệ mới, tiên tiến, Việt Nam đã sản xuất ra được nhiều sản phẩm mới mà trước đây trong nước chưa có. Nhiều ngành nghề, sản phẩm mới được tạo ra nhờ các công nghệ hiện đại, chất lượng do khu vực FDI đem đến.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp trong nước, do sức ép của thị trường cạnh tranh ngày càng cao được tạo ra bởi các sản phẩm của các doanh nghiệp FDI đã cố gắng đổi mới công nghệ bằng việc nhập các thiết bị và công nghệ mới, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, cũng đã sản xuất được các sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, không thua kém hàng nhập khẩu với một giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưa chuộng như các sản phẩm may mặc, da giày, chế biến thực phẩm...

Điều này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhiều nguồn lực trong nước như lao động, đất đai, tài nguyên được khai thác và sử dụng tương đối hiệu quả. Thông qua FDI, trình độ công nghệ sản xuất trong nước đã được nâng cao một cách rõ rệt so với thời kỳ trước đây.

Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài thông qua FDI đã hạn chế đến mức tối đa việc nhập khẩu nhiều loại hàng hóa thuộc các lĩnh vực: dầu khí, sản xuất vật liệu xây dựng mới, hàng điện tử gia dụng, phương tiện giao thông…

Đi liền với chuyển giao công nghệ là quá trình tiếp nhận kinh nghiệm quản lý tiên tiến trên thế giới và đào tạo được đội ngũ lao động có trình độ cao, có khả năng sử dụng được các công nghệ hiện đại. Ngoài ra, chuyển giao công nghệ còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, năng lực công nghệ trong nước được nâng cao.

Những thành tựu đạt được nêu trên đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với thu hút FDI, cũng như chính sách khuyến khích, thu hút công nghệ của nước ngoài để đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao năng lực công nghệ quốc gia.

Tạo việc làm và cải thiện thu nhập người lao động

Tạo việc làm là những đóng góp quan trọng, không thể phủ nhận của khu vực FDI. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thu hút 5,1 triệu lao động, chiếm gần 10% trong tổng lực lượng lao động (trên 54 triệu lao động), chiếm 20% trong tổng lao động làm công ăn lương (25,3 triệu người) ở Việt Nam. Bên cạnh tạo việc làm trực tiếp, khu vực FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho nhiều triệu lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hoá cho các doanh nghiệp FDI.

Mặc dù so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì số việc làm được tạo ra còn hạn chế, nhưng “chất lượng” của lực lượng lao động trong khu vực FDI tốt hơn rõ rệt thông qua hệ thống đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp. Nhiều cán bộ, công nhân trong khu vực FDI đã và đang là những “hạt nhân” để phát triển lực lượng lao động trình độ, tay nghề cao của Việt Nam.

Dữ liệu cho thấy trên 57% doanh nghiệp FDI thực hiện các chương trình đào tạo cho người lao động. Trong đó, tự đào tạo chiếm 40%, liên kết với các cơ sở đào tạo chiếm 17%. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong doanh nghiệp FDI, tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung ở Việt Nam thông qua việc dịch chuyển lao động từ khu vực FDI sang các khu vực còn lại.

Ngoài ra, mức lương bình quân của lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp có vốn FDI cao hơn so với trong khu vực nhà nước hoặc khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy mức lương trung bình của lao động trong khu vực có vốn FDI là 8,2 triệu đồng/tháng, trong đó đối với lao động nam là 9,2 triệu đồng/tháng và lao động nữ là 7,6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lao động trong khu vực nhà nước có mức lương trung bình là 7,7 triệu đồng/tháng và đối với khu vực ngoài nhà nước là 6,4 triệu đồng/tháng.

Một số vấn đề trong việc khai thác các lợi ích của FDI

Cho đến nay, dòng vốn FDI đã được nhìn nhận như là một trọng những “trụ cột” tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vai trò của FDI được thể hiện rất rõ qua việc đóng góp vào các yếu tố quan trọng của tăng trưởng như bổ sung nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm,...

Ngoài ra, FDI cũng đóng góp tích cực vào tạo nguồn thu ngân sách và thúc đẩy Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nhờ có sự đóng góp quan trọng của FDI mà Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm qua và được biết đến là quốc gia phát triển năng động, đổi mới, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh những đóng góp tích cực như đã khái quát trên, việc khai thác các lợi ích do dòng vốn FDI mang lại đang đối mặt nhiều thách thức. Một số dự án FDI cũng tạo ra những tác động tiêu cực, làm bức xúc dư luận xã hội và chất lượng thu hút FDI còn thấp, thiếu tính bền vững. Các đánh giá đã chỉ ra bốn vấn đề và các thách thức mà Việt Nam đối mặt trong việc phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của khu vực FDI đối với nền kinh tế trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, liên kết giữa khu vực FDI với các doanh nghiệp nội địa còn rất ít, chưa hình thành được các ngành công nghiệp phụ trợ, liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng hàng hoá. Thông thường công nghiệp phụ trợ có thể tạo ra 80-95% giá trị gia tăng cho sản phẩm tuy nhiên hiện các doanh nghiệp sản xuất-lắp ráp ở VN phải nhập khẩu từ 70%-80% lượng sản phẩm phụ trợ. Do hạn chế này mà phần giá trị được tạo ra ở Việt Nam còn thấp, nhiều doanh nghiệp FDI khó phát triển được qui mô và đầu tư chiều sâu nên gần đây đã xuất hiện xu hướng một số dự án FDI đã chuyển sản xuất ra nước khác hoặc đóng cửa hay phải chuyển sang lĩnh vực đầu tư mới ở Việt Nam.

Nhiều dự án FDI từng được kỳ vọng cao nhưng về cơ bản vẫn như những “ốc đảo” khai thác các lợi thế của nền kinh tế Việt Nam mang lại lợi ích cho họ mà chưa tạo ra các giá trị lan tỏa, hình thành các cụm ngành với tỷ lệ nội địa cao, có sức cạnh tranh toàn cầu. Biểu hiện rõ nhất của hạn chế này là phần giá trị gia tăng còn thấp.

Phần lớn các doanh nghiệp FDI tập trung khai thác lợi thế lao động rẻ, nguồn tài nguyên sẵn có, thị trường tiêu thụ “dễ tính” để lắp ráp, gia công sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.  Ví dụ, trong ngành may mặc và da giày, sự kết nối hoặc gắn kết hữu cơ giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI vẫn ở mức yếu, chưa hình thành các cụm ngành sản xuất hiện đại quy mô lớn. Mặc dù dòng vốn FDI đã vào Việt Nam hơn 30 năm, đến nay hoạt động của các thương hiệu hàng đầu vẫn chủ yếu là gia công chứ không thể bước lên được các nấc thang giá trị cao hơn.

Thứ hai, một số ngành sản xuất và chế tạo trong một thời gian dài đã nhận được các chính sách ưu đãi như mía đường, lắp ráp và sản xuất ô tô, nhưng kết quả mà các doanh nghiệp FDI tạo ra là không tương xứng với kỳ vọng. Một số lĩnh vực đã được chọn và trải thảm đỏ, nhưng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dường như chỉ tận dụng các chính sách ưu đãi này để bán được hàng giá cao trên thị trường Việt Nam chứ không tập trung vào những khâu tạo ra giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Ưu đãi quá mức, sự không nhất quán trong chính sách và sự cạnh tranh của các địa phương. Việc tính toán các lợi ích và chi phí là khá phức tạp trong khi cần phải cạnh tranh với các quốc gia khác nên không loại trừ những trường hợp Việt Nam đã có những ưu đãi quá mức cần thiết.

Ngoài ra, việc các địa phương có không gian được quyền quyết định quá cao và cạnh tranh quyết liệt với nhau đã dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp FDI chia nhỏ các dự án của mình và chuyển địa điểm để hưởng các ưu đãi do quá trình cạnh tranh xuống đáy của các địa phương tạo ra. Điều này có thể khiến các lợi ích tổng thể do dòng vốn FDI mang lại cho nền kinh tế Việt Nam giảm xuống, thậm chí gây ra các thiệt hại nếu không kiểm soát tốt các chính sách ưu đãi.

Thứ ba, chuyển giá hay chuyển lợi nhuận ra nước ngoài là một thách thức rất lớn của Việt Nam hiện tại. Làm sao để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khai báo lợi nhuận và nộp thuế nhiều hơn ở Việt Nam là một vấn đề hóc búa hiện nay.

Thứ tư, những rủi ro tiềm ẩn về mặt an ninh và môi trường. Một số dự án FDI đã gây ra những sự cố về môi trường cũng như tạo ra các rủi ro liên quan đến an ninh quốc phòng. Đây là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong việc giảm thiểu các tác động không mong đợi của vốn FDI.

Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam cần phải có các cách tiếp cận mới trong việc thu hút dòng vốn FDI cũng như các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả khai thác lợi ích do dòng vốn này đem lại, góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Kiều Oanh

 

Tin mới
Công ty TNHH FDI 01Công Ty TNHH Philips Domestic Appliances Việt NamCÔNG TY TNHH DELL VIỆT NAMCÔNG TY TNHH COWAY VINACÔNG TY TNHH VINA SHOWACÔNG TY TNHH NIPPON PAINT VIỆT NAMCông ty TNHH STKCông Ty TNHH OGAWA Việt NamCông ty TNHH Lotte CinemaCông Ty TNHH Aeon Mall Việt NamCông Ty TNHH Bollore Việt NamCông Ty Cổ Phần Daikin Air Conditioning (Vietnam)Công ty TNHH Phát triển Năng lượng Trina SolarCông ty TNHH Posco - Việt Nam
Hàng Việt TốtCÔNG TY TNHH CSPS VIỆT NAMCông ty TNHH Midea Consumer Electric VietnamCông Ty TNHH Nhựa CotecCông ty TNHH Nước Giải Khát Kirin Việt NamCông ty TNHH Betagen Việt NamCông ty Cổ phần GREENFEED Việt NamCÔNG TY TNHH PWC (VIỆT NAM)MM Mega Market Việt NamCÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN LS ELECTRIC VIỆT NAMCông ty TNHH Posco Việt Nam
Co loi xay ra
Co loi xay ra