Trong đó, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết đến 20/10, có hơn 2.600 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng hơn 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn mới đăng ký đạt 15,3 tỷ USD, tăng 54%.
Ngoài ra, có 1.051 dự án đã điều chỉnh vốn đầu tư với tổng số tiền tăng thêm đạt hơn 5,3 tỷ USD; 2.836 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại với tổng vốn hơn 5,1 tỷ USD.
Các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 18 ngành trên 21 ngành kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo là lĩnh vực dẫn đầu về hút vốn, chiếm hơn 73% tổng vốn đăng ký, tăng 45,8% so với cùng kỳ 2022. Bất động sản đứng thứ hai, kế đó là các ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ.
Về đối tác đầu tư, Singapore là nền kinh tế dẫn đầu, chiếm 18% tổng vốn vào Việt Nam. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc, Hong Kong, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản.
Số liệu cũng cho thấy Quảng Ninh đã vượt lên đứng top 1 về thu hút vốn ngoại nhờ vào việc cấp mới thêm 2 dự án có vốn lớn (Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko solar Hải Hà - Việt Nam tổng vốn 1,5 tỷ USD và Nhà máy Liteon Quảng Ninh tổng vốn đầu tư 690 triệu USD). Hải Phòng xếp thứ hai, kế đó là Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án mới vẫn tập trung vào các địa phương có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng tốt, nhân lực ổn định, có nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong xúc tiến đầu tư. Đơn cử như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Bình Dương.
Về vốn thực hiện, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ 2022.
theo: vnexpress.net